Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 24/5 với xu hướng tăng mạnh khi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô không thể xấu hơn.
Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi một loạt các vấn đề đằng sau việc lạm phát gia tăng như lãi suất, việc thu mua trái phiếu doanh nghiệp… được đặt ra. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, triển vọng phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới tuy có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn rất tích cực. Điều này có được chủ yếu nhờ việc Mỹ đang triển khai hiệu quả các chương trình tiêm chung vắc-xin Covid-19.
Tại Trung Quốc, theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 4 là 9,8% so với cùng kỳ 2020. Mức tăng trưởng này bằng với dự báo nhưng thấp hơn con số 14,1% của tháng 3 nhưng nó vẫn cho thấy bức tranh kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà phục hồi. Điều này đã củng cố thêm kỳ vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô, thời gian tới.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, được kỳ vọng cải thiện mạnh thời gian tới khi các nước bước vào cao điểm mùa nắng nóng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 24/5, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2021 đứng ở mức 63,77 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 7/2021 đứng ở mức 66,60 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu tiếp tục được đẩy mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/5 khi khả năng các nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu sẽ gia tăng sản lượng nhập khẩu để bù đắp vào các kho dự trữ sau thời gian giảm sản lượng nhập khi giá dầu tăng cao được đặt ra.
Tại thời điểm đầu giờ sáng 25/5, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2021 đứng ở mức 66,04 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 7/2021 đứng ở mức 68,50 USD/thùng.
Một chút lo ngại về nguồn cung dầu từ Iran có thể sẽ trở lại thị trường khi IAEA gia hạn thêm 1 tháng cho quá trình đàm phát hạt nhân cũng không đủ áp lực để chặn đà tăng của giá dầu trong những phiên giao dịch cuối tuần khi mà tâm lý lạc quan của giới đầu tư trước triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu liên tục được củng cố.
Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục có chuyển biến tích cực khi Ấn Độ, tâm điểm của dịch Covid-19, đang ghi nhận số ca tử vong giảm trong những ngày gần đây.
Trong thông báo phát đi ngày 26/5, WHO cho biết, tuần qua, thế giới đã ghi nhận 4,1 triệu ca nhiễm, 84.000 ca tử vong, giảm lần lượt 14% và 2% so với tuần trước.
10 bang của Mỹ đã đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một mũi vắc-xin Covid-19 cho 70% dân số trước 4/7.
Bức tranh kinh tế châu Âu tiếp tục có thêm gam màu sáng khi Đức vừa công bố một loạt các chỉ số kinh tế tốt hơn dự kiến.
Ngoài ra, đồng USD tiếp tục mất giá cũng là tác nhân hỗ trợ giá dầu treo ở mức cao.
Theo dữ liệu vừa được Dầu mỏ Mỹ (API) công bố, dự trữ nhiên liệu và dầu thô của Mỹ đà giảm trong tuần kết thúc ngày 21/5, trong đó, dự trữ dầu thô giảm 439 ngàn thùng, xăng giảm 2 triệu thùng và các sản phẩm chưng cất giảm 5,1 triệu thùng.
Nguồn cung dầu thô từ Iran (nếu có) được nhận định sẽ tác động không đáng kể đến thị trường khi sản lượng khai thác toàn cầu đang có xu hướng giảm.
Hiện thị trường dầu thô đang hướng sự chú ý đến cuộc họp của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1/6. Cuộc họp của OPEC+ được cho là sẽ xem xét khả năng dầu thô Iran trở lại thị trường để từ đó cân nhắc khả năng điều chỉnh chính sách sản lượng của khối. Theo nhiều chuyên gia dự đoán, OPEC+ vẫn sẽ thực hiện tăng sản lượng 600 ngàn thùng/ngày trong tháng 6 nhưng mức tăng 700 ngàn thùng/ngày vào tháng 7/2021 sẽ được cân nhắc, xem xét.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 28/5, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2021 đứng ở mức 67,09 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 7/2021 đứng ở mức 69,81 USD/thùng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã bị chặn lại trong phiên giao dịch cuối tuần khi vấn đề thương mại Mỹ - Trung thời gian gần đây lại đang “nóng” lên khi thông tin về việc giới chức 2 nước vừa cuộc đàm phán được phát đi trong bối cảnh Mỹ được cho là đang xem xét mức độ tuân thủ các cam kết theo thoả thuận giai đoạn 1 của Trung Quốc.
Các lệnh trừng phạt và các tuyên bố của Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây càng làm gia tăng những lo ngại về một giai đoạn leo thang căng thẳng mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này nếu diễn ra, theo nhận định của giới chuyên gia, sẽ tác động rất lớn đến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ tăng tháng thứ 9 liên tiếp cũng tạo áp lực không nhỏ lên thị trường dầu thô. Cụ thể, theo báo cáo của Baker Hughes hôm 28/5, số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng thêm 2 giàn trong tuần từ 24/5, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động của nước này lên 457 giàn, tăng hơn 100 giàn kể từ đầu năm 2021.
Còn theo báo cáo mới nhất của Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng khai thác dầu thô của nước này đã tăng 14,3% trong tháng 3 so với tháng 2, đạt 11,2 triệu thùng/ngày.
Khép tuần giao dịch, giá dầu ngày 30/5 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 66,63 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 8/2021 đứng ở mức 69,04 USD/thùng.
Như vậy, tính chung trong tuần giao dịch từ ngày 24/5, giá dầu thô đã tăng gần 5%.